Hiện tượng ốm nghén trong quá trình mang thai gây cảm giác buồn nôn khó chịu, khiến các thai phụ không ăn được gì. Tình trạng nghén nặng không ăn được gì, nghén ăn vào là nôn,… nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thai nhi. Vậy nếu mẹ bầu ốm nghén không ăn được sẽ ảnh hưởng như thế nào? Hãy cùng Sản phụ khoa Anna tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
1. Ốm nghén là gì?
Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu (chủ yếu từ tuần thứ 4 - 16). Tuy nhiên, có nhiều phụ nữ có thể có các triệu chứng ốm nghén tới khi sinh nở. Tình trạng ốm nghén bao gồm các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, mất ngủ, chán ăn,... Ở những người cơ địa nhạy cảm, biểu hiện nôn ói thường xảy ra sớm, diễn ra nghiêm trọng và khó kiểm soát.
Trong quá trình mang thai, không phải tất cả các thai phụ đều có biểu hiện ốm nghén. Những thai phụ có nguy cơ cao bị ốm nghén gồm:
- Thai phụ mới mang thai lần đầu;
- Thai phụ bị thừa cân;
- Người có tiền sử nghén nặng ở lần mang thai trước đó;
- Bà bầu mang song thai hoặc đa thai;
- Bà bầu mắc bệnh nguyên bào nuôi.
Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu
2. Nguyên nhân khiến mẹ bầu ốm nghén không ăn được?
2.1 Hormon HCG tăng
Hormon HCG (Human chorionic gonadotropin) là hormon chỉ tiết ra vào lúc mang thai giúp bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi. Giai đoạn ốm nghén, nồng độ HCG trong cơ thể người mẹ sẽ tăng lên gấp đôi, dẫn đến chứng buồn nôn, nôn ói trầm trọng. Điều đó khiến mẹ bầu mất cảm giác ăn ngon và không muốn ăn.
2.2 Khứu giác của mẹ bầu nhạy cảm hơn
Trong quá trình mang thai, đặc biệt là giai đoạn ốm nghén, khứu giác mẹ bầu đặc biệt trở nên nhạy cảm hơn. Khi ngửi thấy mùi hương mạnh hoặc mùi lạ như: nước hoa, nước xả vải, xăng dầu, đồ ăn có nhiều gia vị… đều có thể khiến họ cảm thấy buồn nôn. Việc trở nên nhạy cảm hơn với mùi và thay đổi vị giác khiến mẹ bầu không có hứng thú với đồ ăn, thậm chí là những món ăn ưa thích trước đây. Cuối cùng là tình trạng kén ăn ngày càng nặng, thậm chí là không ăn được gì.
2.3 Hormone progesterone tác động đến quá trình tiêu hóa
Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ sản xuất lượng lớn hormone progesterone. Chúng làm giãn các cơ trơn tiêu hóa gây giảm nhu động đường tiêu hóa. Từ đó gây ra chứng khó tiêu, chướng bụng, táo bón. Cùng với đó, tiêu hóa chậm khiến cho thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản và gây ra cảm giác buồn nôn. Mẹ bầu sẽ luôn cảm giác khó chịu ở cổ họng, bụng chướng, khiến ăn không ngon. Trong trường hợp bị nặng sẽ tạo ra tâm lý kén ăn, không ăn được gì.
2.4 Do các vấn đề tâm lý
Những thay đổi tâm lý của mẹ bầu bao gồm lo lắng và trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống và hấp thu chất dinh dưỡng trong thai kỳ. Đây là một nguyên nhân mà thường bị các mẹ bầu và người thân bỏ qua, dẫn đến tình trạng ốm nghén không được cải thiện. Thực tế, phụ nữ mang thai có thể dễ gặp các vấn đề về tâm lý. Họ thường có cảm giác lo lắng, suy nghĩ nhiều, dễ trầm cảm. Từ đó làm giảm thèm ăn, ăn không ngon, chán ăn.
Tâm lý của mẹ bầu bao gồm lo lắng và trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống và hấp thu chất dinh dưỡng trong thai kỳ
3. Nghén không ăn được ảnh hưởng như thế nào?
3.1 Ảnh hưởng đến mẹ
Không ăn được khiến mẹ bầu luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng, sụt cân nhiều dẫn đến tình trạng ốm nghén trở nên nghiêm trọng hơn.
Cơ thể không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng nên sẽ dẫn đến thiếu chất và luôn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, sức khỏe suy yếu.
Trong trường hợp ốm nghén nặng, thường xuyên nôn ói dẫn đến tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải.
3.2 Ảnh hưởng đến thai nhi
Tình trạng ốm nghén không ăn được dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Trong trường hợp mẹ bầu bị nghén nặng kéo dài mà không có biện pháp can thiệp, chữa trị thì có nguy cơ gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như sinh non, trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng…
Tình trạng ốm nghén không ăn được dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
4. Cần làm gì nếu bà bầu ốm nghén nặng
Ngoài các phương pháp điều trị ốm nghén thông thường như ăn bánh quy khô vào sáng sớm, có chế độ ăn nhạt/ ít muối, những mẹ bầu ốm nghén nặng không ăn được có thể tham khảo các cách sau:
- Dùng thuốc ngăn ngừa nôn ói, truyền dịch tĩnh mạch bổ sung vitamin và chất dinh dưỡng… nhưng cần có chỉ định của bác sĩ
- Ăn gừng hoặc thức ăn có gừng, thức ăn có chứa vitamin B6 để giảm bớt cảm giác buồn nôn
- Tránh ăn thức ăn cay và nhiều giàu mỡ
- Ăn thực phẩm giàu protein
- Hạn chế tiếp xúc với các chất/ mùi hương gây kích kích…
Nếu cảm thấy lo lắng hoặc quá mệt mỏi với tình trạng ốm nghén không ăn được, mẹ nên nói chuyện với bác sĩ hoặc nhân viên tư vấn để có thể cân bằng lại cảm xúc, tránh căng thẳng quá mức dẫn đến trầm cảm trong khi mang thai.
Nếu rơi vào những trường hợp ốm nghén ở mức độ sau mẹ bầu nên nhờ đến sự trợ giúp y tế:
- Buồn nôn kéo dài suốt cả ngày, không thể ăn uống bất cứ gì
- Ói mửa trên 3-4 lần/ngày
- Nôn ói ra dịch chất có màu nâu hoặc có vệt máu
- Sút cân nhiều
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Giảm số lần đi tiểu
- Nhịp tim nhanh
- Đau đầu liên tục
- Có tình trạng lú lẫn
Cần lưu ý, có những thai phụ ốm nghén không ăn được gì, nặng đến mức thường xuyên nôn ói nhiều lần trong ngày, sụt cân và đối diện với nguy cơ mất nước. Nếu tình trạng này xảy ra không được điều trị sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Phòng khám sản phụ khoa Anna tự hào là nơi thăm khám, điều trị & chăm sóc sức khỏe thai kỳ và các vấn đề phụ khoa uy tín. Hãy liên hệ ngay qua số hotline hoặc đặt lịch tư vấn qua website https://sanphukhoaanna.vn/ để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé. Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết khác của chúng tôi tại https://sanphukhoaanna.vn/tin-tuc